Trao đổi với PV, trưởng phòng logistics công ty nhập khẩu của một thương hiệu Nhật Bản cho hay, lượng hàng dành cho mùa nóng năm nay như máy lạnh, tủ lạnh nhập về chỉ bằng năm ngoái, và bằng năm ngoái tức là đã giảm khá nhiều so với năm 2010, năm mà mặt hàng mùa nóng “cháy”.
Theo ông này, đúng là năm nay thời tiết nóng hơn, khắc nghiệt hơn, nhu cầu tiêu thụ máy lạnh do đó có vẻ cao hơn nhưng kinh tế khó khăn nên các công ty không dám mạo hiểm đưa nhiều hàng về.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác khiến công ty này “chùn tay” nhập hàng là do thị trường vẫn còn tồn một lượng lớn hàng từ mùa năm trước. “Theo tôi biết, năm ngoái có hãng đã chiết khấu lớn để các trung tâm điện máy lấy máy lạnh. Các trung tâm bán không hết nên tồn đến nay”, ông này dẫn chứng.
Cũng theo ông này, cũng vì không kỳ vọng vào thị trường năm nay nên hãng bên ông sẽ không có sản phẩm mới. Đơn giản là vì phần thu vào khi thị trường yếu không đủ bù cho phần kinh phí lớn đã đầu tư để có một sản phẩm mới với nhiều khâu như nghiên cứu, quảng bá, giới thiệu.
Anh Tuấn, một tổng đại lý chuyên cung cấp, lắp đặt máy lạnh cho các khách sạn, nhà hàng, công ty cũng xác nhận, cho đến thời điểm này chưa thấy mẫu sản phẩm mới nào từ nhà sản xuất. “Mọi năm, nếu có hàng mới là các hãng đã rục rịch tung quảng cáo. Năm nay quay đi quay lại cũng chỉ có các mẫu vốn đã quen thuộc, sử dụng công nghệ tiết kiệm điện hoặc khử mùi không khí”, anh Tuấn nói.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ cho hay, đã có những điều chỉnh về hàng hóa để phù hợp với tình hình thị trường. Theo ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc khối tiếp thị, Trung tâm mua sắm Sài Gòn – Nguyễn Kim, trong năm nay, chuỗi hệ thống bán lẻ điện máy này tăng nguồn hàng dòng phổ thông (tức các sản phẩm chỉ có chức năng, thiết kế thông thường) với giá “mềm” để khách hàng lựa chọn. Đó sẽ là các sản phẩm máy lạnh có giá 7 – 9 triệu đồng/sản phẩm hay tủ lạnh ở mức 3,5 – 6 triệu đồng/sản phẩm… Bên cạnh đó, đơn vị này cũng sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng trong bối cảnh ai cũng đang “thắt lưng buộc bụng”.
Theo ông Thy, ở thời điểm hiện tại, sức mua ở mặt hàng máy lạnh bắt đầu tăng dần khi thời tiết nắng nóng. Tuy vậy, đã có sự thay đổi trong việc lựa chọn các sản phẩm cao cấp và phổ thông. Nếu như các năm về trước, tỷ trọng các mặt hàng hi-end (hàng cao cấp, thiết kế mới, sử dụng công nghệ mới) chiếm 60% và mặt hàng phổ thông chiếm 40% thì nay đã thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Các dòng sản phẩm phổ thông tăng mạnh hơn so với dòng trung và cao cấp. Ngoài ra, khách hàng mua máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt chủ yếu là mua sản phẩm mới. Lượng khách hàng mua cái thứ 2, thứ 3 hoặc đổi sản phẩm đã giảm.
Mùa khô năm ngoái, thời tiết không quá nóng, sức mua thấp khiến các công ty nhập khẩu và nhà bán lẻ điện máy tồn một lượng khá lớn mặt hàng máy lạnh
Ông Bùi Tấn Cường, Giám đốc tiếp thị chuỗi trung tâm điện máy và nội thất Thiên Hòa cũng thừa nhận, tuy đầu năm đến nay có những “phấn khởi” nhưng chưa tạo được niềm tin. Không nói rõ sẽ thay đổi cơ cấu hàng hóa giữa các sản phẩm đắt tiền và các sản phẩm giá mềm nhưng ông Cường cho hay năm nay Thiên Hòa sẽ có rất nhiều loại quạt, sử dụng nhiều công nghệ mới, với nhiều mức giá giới thiệu đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, để kích cầu tiêu dùng, chuỗi hệ thống này đã bắt đầu khởi động chương trình thường niên dành cho mùa hè từ giữa tháng 3, sớm hơn mọi năm 2 tháng.
Về giá các mặt hàng, Trung tâm mua sắm Sài Gòn – Nguyễn Kim xác nhận đã tăng hơn so với năm ngoái. Cụ thể, các sản phẩm máy lạnh tăng khoảng 15-20%, một số dòng tủ lạnh tăng dưới 10%. Nguyên nhân là do nguồn cung hàng hóa bị thiếu hụt do trận lũ lụt ở Thái Lan, nơi đặt nhiều nhà máy sản xuất hàng điện tử của Nhật Bản, hồi tháng 10 năm ngoái.
Theo ghi nhận của PV, mức tăng của nhiều mặt hàng đã được nhiều trung tâm điện máy áp dụng từ trước Tết Nguyên đán.
Ở thời điểm hiện tại, sau khi các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu tăng 10%, điện chuẩn bị tăng, ông Cường của Thiên Hòa cho biết, các nhà cung cấp lại đang “đánh tiếng tăng giá”. Theo ông Cường, trong số này có một số là khó khăn đầu vào nhưng cũng có cả những người cơ hội, tăng giá kiểu “tát nước theo mưa”.
“Mức tăng cụ thể như thế nào cuối tháng 3 sẽ rõ. Quan điểm của chúng tôi là cái nào gồng được thì gồng, còn nếu căng quá thì cũng phải chấp nhận để duy trì nguồn hàng bán”, ông Cường nói thêm.>> sua may giat tai quan 1.